Mâm ngũ quả trên bàn thờ gia tiên là nét văn hóa truyền thống, thể hiện tín ngưỡng – thẩm mỹ của người Việt.
Mâm ngũ quả ngày Tết có ý nghĩa dâng cúng tổ tiên, thể hiện lòng hiếu thảo và ước mong điều tốt lành. Ảnh minh họa.
Tết đến, bàn thờ nhà nào cũng có mâm ngũ quả rực rỡ, làm nhà cửa thêm ấm cúng. Nhưng để bày mâm ngũ quả đẹp mắt không dễ, để mâm ngũ quả có ý nghĩa, hàm ý những điều ước nguyện càng không thể qua quít.
Ý nghĩa một số loại quả
Mâm ngũ quả (dù đựng trong đĩa cũng vẫn gọi là “mâm”) có ý nghĩa dâng cúng tổ tiên, thể hiện lòng hiếu thảo và ước mong điều tốt lành. Người phương Đông quan niệm mâm ngũ quả cần có 5 loại quả với 5 màu mang tính chất ngũ hành (đen, đỏ, xanh, trắng, vàng tượng trưng cho Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ). Nải chuối màu xanh (được coi là hành mộc), có ý nghĩa che chở, sự sung túc, đùm bọc và gắn kết). Quả phật thủ màu vàng (hành thổ) cầu phúc lộc (có thể thay bằng quả bưởi chín vàng, hoặc quả lựu). Các loại quả có màu đỏ (hành hỏa) như dưa hấu… Các loại quả có màu trắng sáng như quả roi, đào… (hành kim). Các loại quả có màu đen như mận, hồng xiêm…(hành thủy).
Một số quả còn có ý nghĩa riêng như: Quả lê (việc gì cũng suôn sẻ), quả lựu (đông con, nhiều cháu), quả đào (thăng tiến), quả táo to, đỏ (phú quý), quả hồng, quả quýt, quả cam canh chín đỏ (mạnh mẽ, thành đạt), quả thanh long (rồng mây gặp hội), quả dưa hấu, quả bưởi căng tròn (hứa hẹn sự ngọt ngào, may mắn), quả trứng gà (lekima – lộc trời), quả sung (sung mãn về sức khỏe, hay tiền bạc), quả đu đủ (đầy đủ thịnh vượng), quả xoài (âm Hán như là “xài”, cầu mong không thiếu thốn)…
Mâm ngũ quả mỗi vùng mỗi khác, nhưng đều là nông sản địa phương dâng cúng, cầu mong cuộc sống no đủ, bình yên… Mâm ngũ quả miền Bắc có bưởi, đào, quýt, chuối, hồng và chú trọng ngũ sắc (ngũ hành). Mâm ngũ quả miền Trung và miền Nam coi trọng nghĩa của quả, thể hiện khí chất, sự thuận lợi về thiên nhiên, 5 loại quả hay được chọn là mãng cầu, sung, dừa, đu đủ và xoài (đọc lên tương tự câu “cầu sung vừa đủ xài”, hay “cầu vừa đủ xài sung”. Mâm ngũ quả miền Trung có nét tinh tế riêng xứ của Huế, nhưng thế nào cũng có nải chuối ngự (chuối cau) quả nhỏ mà thơm.
Chọn quả xanh hay chín?
Một số loại quả, nhất là chuối nên mua lúc còn xanh, để khi trưng không bị chín rục. Các loại quả xoài, mãng cầu, đu đủ, hồng… nên mua quả ương về bày để không bị thối. Không nên mua quả quá xanh về trưng vừa không đẹp, sau khi hạ mâm cũng không ăn được. Chọn quả còn cuống tươi, cành còn lá. Quả dưa hấu mang tính đấng trí nhân quân tử, xanh vỏ đỏ lòng. Và dù nhiều loại hoa quả, cũng nên bày thêm quả Phật thủ, giống biểu tượng bàn tay Phật. Chú ý chọn hoa quả tránh quả bị trầy xước vì rất nhanh hỏng.
Một số loại quả như bưởi, dừa, dưa hấu có vỏ cứng (hoặc vỏ dày) nên mua quả đã chín, lỡ để lâu vỏ quả có khô đi ăn vẫn ngon. Dưa hấu nhớ vỗ vào thân dưa nghe trầm chắc nịch là quả còn tươi, ngon.
Mua quả về, dùng khăn giấy lau sạch quả, không nên rửa vì sẽ làm quả sớm bị héo hoặc thối nếu có chỗ đọng nước.
Mâm ngũ quả cần có trước đêm 30 Tết. Nhưng để chọn được nhiều loại quả đẹp và ngon, chất lượng tốt, thời điểm mua nên vào 3 ngày trước Tết. Không nên đi mua hoa quả vào ngày 29 hoặc chiều 30 Tết vì cận Tết giá sẽ rất cao và sẽ ít cơ hội chọn quả đẹp, thậm chí không đủ quả để bày mâm như ý.
Cách bày mâm ngũ quả đẹp
Mâm ngũ quả thể hiện lòng hiếu thảo đối với tổ tiên và tính mỹ thuật. Tùy vùng mà có quan niệm riêng, chứ không buộc phải dùng những quả gì. Thứ tự và loại quả bày biện trên mâm không quan trọng, nhưng cần có sự phối hợp màu sắc để sinh động và rực rỡ, đẹp mắt. Ngày nay người dân không câu nệ “ngũ quả”, mà còn bày bát, cửu, thập quả.
Theo ông Đinh Long (Trung tâm Nghiên cứu cổ học UNESCO), một mâm ngũ quả nên bày nải chuối xanh quả già và to, dài, còn nguyên râu và cuống (hoặc 2 nải chuối nhỏ ghép lại) để đỡ các hoa quả khác. Nải chuối xanh đắt giá nhất là nải 19 quả (nhất cửu – tượng trưng cho sự viên mãn). Nhưng không nhất thiết chọn số quả như vậy, mà chỉ cần chọn nải quả xòe, gài được nhiều quả khác lên.
Giữa nải chuối bày quả phật thủ (hoặc quả bưởi to màu vàng tươi mới nổi trên nền chuối xanh). Các quả táo chín, quýt, cam canh chín đỏ… cài xen kẽ ở các quả chuối. Nên chọn quả còn lá xanh để trang trí thêm cho đẹp.
Bày mâm ngũ quả trên mâm bồng, mâm sơn son có chân là đẹp nhất. Nếu không có thì bày trên một cái đĩa to (nhưng đặt trên cặp bánh chưng để tạo dáng cao, uy nghiêm, thành kính).
Mâm ngũ quả trên bàn thờ ngày Tết mang bản sắc văn hóa độc đáo, dù ở Việt Nam hay nước ngoài, người Việt vẫn không bỏ qua tục lệ này, như một sự nhắc nhở, cho bản thân và cho con cháu về cội nguồn. Mỗi loại hoa quả trong mâm có mùi vị, màu sắc, ý nghĩa riêng, nhưng trên ban thờ trở thành nơi hội tụ của hồn quả, hương cây, với ý nguyện cầu hòa, an, đủ, tượng trưng cho sự đùm bọc, sung túc. Vì vậy cả nhà nên chăm chút để cùng bày mâm ngũ quả (mẹ lo mua sắm bày mâm. Bố lau dọn bàn, ban thờ. Con cái có thể dùng khăn giấy lau sạch quả). Như thế gia đình càng thêm đầm ấm sum họp. Và nên chọn những quả con thích ăn nhất, để sau 3 ngày Tết thì hạ xuống cùng ăn càng thêm vui.
Không nên bày loại quả sần sùi
Các loại hoa quả có hình dạng xấu, sần sùi không nên bày. Nếu muốn dâng mít không nên đặt quả, mà phải bóc múi để ra đĩa…
Phong tục mỗi nơi mỗi khác, miền Nam thích sự khiêm tốn, đơn giản nên tiêu chí chỉ “cầu sung vừa đủ xài”.
Miền Bắc thích có dự trữ nên hay bày chuối, nhãn, quất, sung vì sai quả, trĩu cành, đẹp với ý nghĩa cầu mùa bội thu. Mâm ngũ quả có màu sắc dáng đẹp, không trọng tên như trong Nam.
Ngũ hành không phải quan niệm trên ban thờ, không có ý nghĩa thực tiễn trong tâm linh, mà chỉ là màu sắc trang trí thêm cho bàn thờ đẹp và ấm cúng.
Ông Phạm Quang Tuyến
Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người
Theo: giadinh
Mâm ngũ quả bày gì?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét