Lễ cúng ông Táo (23 tháng Chạp) và giao thừa là hai trong số các nghi thức cuối năm được các gia đình rất coi trọng. Nếu nghi lễ cúng ông Táo – ba vị thầncai quản việc bếp núc để tổng kết mọi việc lớn nhỏ trong năm của mỗi nhà, thì nghi lễ cúng giao thừa đặc biệt quan trọng bởi đây là thời khắc để quan Hành khiển năm cũ bàn giao công việc cho quan Hành khiển năm mới, với mong muốn khởi sự năm mới nhiều điều tốt đẹp.
Lễ cúng ông Táo và giao thừa là hai trong số các nghi thức cuối năm được các gia đình coi trọng. Ảnh minh họa.
Ông Táo phải cúng trong bếp
Ngày 23 tháng Chạp – ngày ông Táo về chầu trời được xem như ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán. Sau khi tiễn đưa ông Táo, mọi người bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, lau chùi đồ cúng ông bà tổ tiên, treo tranh, câu đối, cắm hoa ở những nơi trang trọng.
Vì thế, các gia đình coi đây là ngày “chư thần trầu thiên” – các thần về trời, tâu với Ngọc Hoàng một năm làm việc thiện, ác, tốt, xấu của gia đình mình để Ngọc Hoàng đề ra một chương trình làm việc trong năm mới.
Theo tục cổ truyền thì Táo quân gồm hai ông và một bà, tượng trưng là 3 cỗ “đầu rau” hay “chiếc kiềng 3 chân” ở nhà bếp. Lễ vật cúng Táo quân gồm có: Hai mũ cánh chuồn dành cho các Táo ông, một mũ không có cánh chuồn dành cho Táo bà.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh – Giám đốc Trung tâm Lý học Đông phương, lễ cúng ngày 23 tháng Chạp, các gia đình thường cúng trên bàn thờ gia tiên với cách gọi nôm na là cúng ông Công, ông Táo. Tuy nhiên, đây là hai vị thần khác nhau. Ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà.
Ông Táo là 3 vị đầu rau (2 nam, 1 nữ) trông coi việc bếp núc trong gia đình. Lễ cúng 23 tháng Chạp là lễ tiễn chung ông Công, ông Táo về chầu trời, người dân thường gộp chung cúng trên bàn thờ là chưa đúng. Trong ngày này, ông Táo phải được cúng dưới bếp, còn ông Công được cúng trên bàn thờ chính trên nhà cùng với gia tiên mới đúng.
Về “phương tiện” để ông Công, ông Táo “chầu trời”, ở miền Bắc thường cúng cá chép còn sống thả trong chậu nước, ngụ ý “cá hóa long” – cá sẽ biến thành Rồng đưa ông Táo về trời. Ở miền Trung, người ta cúng một con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ. Còn ở miền Nam thì đơn giản hơn, chỉ cúng mũ, áo và đôi hia bằng giấy là đủ.
Ngoài các lễ vật chính kể trên, người ta có thể làm lễ mặn (với xôi gà, chân giò luộc, các món nấu nấm, măng…) hay lễ chay (với trầu cau, hoa, quả, giấy vàng, giấy bạc…) để tiễn Táo quân.
Theo các vị xuất gia, việc cúng này cần thành tâm và tùy theo gia cảnh. Lễ vật không nên quá câu nệ, có điều kiện thì làm mâm cơm canh, còn không thì thành tâm hoa quả là được. Không nên đốt nhiều vàng mã, quần áo hoặc sắm sanh ngựa, nhà, ô tô… vì vừa lãng phí mà cũng không thể hiện được cái tâm hướng thiện của mình.
Cúng giao thừa – trọng “tâm” hơn trọng “lễ”
Phong tục người Việt ta tin rằng, mỗi năm có một vị quan Hành khiển cai quản việc nhân gian, hết năm thì quan Hành khiển năm trước bàn giao công việc cho quan Hành khiển của năm mới. Việc cúng giao thừa (hay trừ tịch) được coi là để tiễn vị quan cũ và đón vị quan mới với quan niệm lẽ trời đất có khởi thủy phải có tận cùng, một năm có bắt đầu phải có kết thúc: Bắt đầu vào lúc giao thừa cũng lại kết thúc vào lúc giao thừa.
Lễ giao thừa thường được cúng ngoài trời là bởi các cụ xưa hình dung trong phút cựu vương hành khiển bàn giao công việc cho tân vương luôn có quân đi, quân về đầy không trung tấp nập, vội vã, thậm chí có quan quân còn chưa kịp ăn uống gì.
Vì việc bàn giao, tiếp quản công việc hết sức khẩn trương nên các vị không thể vào trong nhà khề khà mâm bát mà chỉ có thể dừng vài giây ăn vội vàng hoặc mang theo, thậm chí chỉ chứng kiến lòng thành của chủ nhà.
Theo các vị xuất gia, lễ ngoài sân hay trong nhà không quan trọng, cái chính vẫn là lòng thành của mỗi gia đình. Dù trong nhà hay ngoài sân cũng chỉ là để chứng kiến lòng thành của chủ nhà. Vì vậy, lễ vật to nhỏ không quan trọng mà cái quan trọng nhất vẫn là sự thành kính. Nhiều người cẩn thận còn lo lắng chuyện cúng gà hay ngựa (giấy) thì quay ra hay quay vào, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh, cái “tâm” vẫn là trên hết.
Đề cập sâu về cái “tâm” mà dân gian vẫn gọi là “lòng thành”, ông Tuấn Anh cho rằng, mâm cao, cỗ đầy hay lễ vật đơn sơ tùy thuộc vào gia cảnh. Nếu gia cảnh khó khăn chỉ có một nén hương, bát cháo thì không thể nói đó là không đầy đủ lễ nghĩa. Mâm cúng thịnh soạn hay đơn sơ cũng là để cho mỗi thành viên trong gia đình cùng tưởng nhớ đến tổ tiên, nguồn cội.
Mỗi khi cúng xong, các thành viên cùng “thụ lộc” với ý nghĩa để lớp con cháu cùng hướng về nguồn cội, gần gũi bên người thân bên bữa cơm gia đình, chứ không phải để các cụ “về” chứng giám. Cái tâm thiện, tâm tốt với lòng thành kính ở những thời khắc quan trọng như lễ giao thừa chính là năng lượng tốt được tạo ra để mỗi người, mỗi gia đình có một tâm thế đón nhận một năm mới với nhiều hanh thông và may mắn.
Nói về quan niệm năm Ngọ kiêng cúng ngựa như nhiều bạn đọc thắc mắc, ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh cho biết, trong các sách từ cổ đến nay, chưa thấy đề cập bất cứ nội dung nào về chuyện này. Theo ông, việc cúng ngựa tùy thuộc vào tính chất của các lễ đã được dân gian mặc định như lễ thần linh, lễ tạ đất, tạ mộ… chứ không phải là kiêng theo năm nào. Còn nói như một số quan niệm mà nhiều người “dựa” vào tâm linh để “phán” là theo cảm tính và theo suy diễn của chính họ.
Theo: giadinh
Cúng 23 tháng Chạp và giao thừa thế nào cho đúng?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét