Đây là một hiện tượng thời tiết hiếm có và độc đáo chỉ xuất hiện một lần trong mỗi thập kỷ.
Grand Canyon là một khe núi lớn nằm bên sông Colorado ở bang Arizona, Mỹ và được quản lý bởi Công viên Quốc gia Grand Canyon. Đây là một trong những kỳ quan thiên nhiên nổi tiếng nhất của Mỹ với chiều dài 446 km, rộng 29 km và sâu 1.800 m.
Vẻ đẹp hùng vĩ của Grand Canyon. Ảnh: Erin Whittaker/GCNP Facebook.
Hiện tượng thời tiết đặc biệt được biết tới là “nghịch đảo nhiệt độ” đã khiến cho khe núi bị bao phủ bởi một lớp sương mù trắng và dày đặc vào cuối tháng 11 vừa qua. Ở trạng thái bình thường, càng lên cao không khí càng lạnh, nhiệt độ càng giảm. Điều này được lý giải khi năng lượng mặt trời bị chuyển hóa thành nhiệt ở dưới mặt đất và làm không khí ở dưới ấm hơn. Khi lên cao, không khí ấm bắt đầu phân tán và lạnh dần.
Nhưng hiện tượng “nghịch đảo nhiệt độ” này xảy ra khi không khí lạnh bị mắc kẹt gần mặt đất, còn không khí nóng lại ở phía trên. Đó là khi càng lên cao, nhiệt độ không khí càng tăng. Không khí nóng ở phía trên hoạt động giống như một cái nắp chảo, ngăn không khí lạnh và sương mù ở dưới không thể bay lên cao.
Nhiều du khách lần đầu tiên đến Grand Canyon đã may mắn được chứng kiến hiện tượng tự nhiên kỳ thú hiếm thấy. Ảnh: Erin Whittaker/GCNP Facebook.
Hiện tượng kỳ thú của thiên nhiên này chỉ xảy ra từ một đến hai lần trong một năm, đặc biệt vào các tháng mùa đông. Tuy nhiên, “dòng sông mây” mà thực chất chính là sương mù chỉ bao phủ một phần của Grand Canyon. Lần gần đây nhất “nghịch đảo nhiệt độ” được ghi nhận là 10 năm trước. Khi đó sương mù vây kín toàn bộ hẻm núi vào một ngày không có mây.
Nhà khí tượng học Andy Mussoline của AccuWeather.com đã lý giải hiện tượng này với ba nguyên nhân chính. Thứ nhất, hẻm núi có độ ẩm cao hơn mức bình thường. Từ ngày 20 đến 24 tháng 11, lượng mưa đo được ở đây là 19 mm (bao gồm cả tuyết rơi và mưa), gấp 4 lần lượng mưa trung bình vào cùng thời gian trong năm (chỉ là 5 mm). Hơn nữa, nhiệt độ trung bình vào mùa đông là 9 độ C, dẫn đến độ ẩm trong không khí cao hơn những tháng mùa hè. Lý do cuối cùng là chế độ áp suất cao của khu vực vào tuần trước đã khiến trời quang đãng và ít gió. Đó là những điều kiện thời tiết làm cho không khí gần mặt đất lạnh đi nhanh chóng. Tất cả những yếu tố trên đã dẫn đến hiện tượng “nghịch đảo nhiệt độ”.
Nhiệt độ xuống dưới 0 độ C khiến sương đọng trên các tảng đá bị đóng băng. Sau khi mặt trời lên, mọi thứ sẽ lại thay đổi. Những ngày này, mỗi thời điểm sẽ mang đến một hình ảnh Grand Canyon khác. Ảnh: Erin Whittaker/GCNP Facebook.
Theo: amusingplanet
‘Dòng sông mây’ bao phủ hẻm núi Grand Canyon
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét